Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)

Nửa cuối năm theo lịch âm cũng ngập tràn các lễ hội truyền thống Việt Nam với quy mô lớn, thu hút hàng ngàn du khách, trải khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Một vài lễ hội tiêu biểu có thể kể đến, như: lễ hội Ook-Om-Bok, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hội đền Dinh Thầy… Còn chần chừ gì mà không cùng Traveloka thăm thú một vòng các lễ hội truyền thống dưới đây. 

1. Tháng 7 âm lịch

Nhắc đến tháng 7 âm lịch, phần lớn chúng ta sẽ nhắc đến ngay hai từ khóa sau đây: “tháng cúng cô hồn” và “đêm Thất Tịch”. Theo quan điểm từ xưa của ông bà chúng ta, tháng 7 âm là thời điểm xui xẻo, thường hay gặp vận đen; bởi bắt đầu từ mùng 2, Quỷ Môn Quan (cửa địa ngục) sẽ được mở ra và các vong hồn sẽ tự do về lại dương gian, đến sau đêm Rằm mới phải quay lại địa ngục. Chính quan điểm này đã hình thành nên tục lễ cúng cô hồn (hay còn gọi là cúng vong nhân), mục đích là để ma quỷ có thức ăn đầy đủ, không quấy phá cuộc sống của con người ở chốn dương gian.

Còn về “đêm Thất Tịch” (mùng 7 tháng 7 âm lịch) – đây là sự kiện gắn liền với điển tích Ngưu Lang – Chức Nữ trong văn hóa Á Đông. Nó còn được gọi là lễ Valentine châu Á, dù rằng thường thì vào ngày này trong năm sẽ mưa rất lớn, và người ta gọi là cơn mưa ngâu.

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Đừng nghĩ tháng 7 là tháng cô hồn mà Việt Nam lại thiếu đi những lễ hội đặc sắc nhé. @Huy Trường

Dù được nhớ đến nhiều và gần như được nhiều người lấy tên của chúng để gọi chung cho tháng 7 âm lịch như: tháng cô hồn (tháng xá tội vong nhân), hoặc là tháng mưa ngâu… nhưng cả hai sự kiện trên đều không có một lễ hội lớn – thường là người dân sẽ chỉ cúng bái riêng trong nhà, sở làm, hoặc là tụ hội thành lễ cúng trong khu dân cư.

Tạm gác qua hai sự kiện trên, tháng 7 âm lịch còn có rất nhiều những cột mốc lớn khác – mà từ đó dần tạo thành những lễ hội truyền thống Việt Nam với quy mô lớn – nhỏ khác nhau cho cộng đồng người Việt nói chung, và cho dân cư các vùng miền nói riêng.

Lễ hội đầu tiên, và có lẽ là lễ hội có quy mô khắp nước trong tháng 7 này chính là lễ Vu Lan báo hiếu. Lễ hội này xuất phát từ Phật giáo, nhưng lâu dần đã trở thành một dịp lễ quan trọng và được hầu như tất cả mọi người Việt Nam tham gia, do tính nhân văn với mong muốn chúng ta tưởng nhớ đến công ơn sinh thành và biết trân trọng khi vẫn còn cha mẹ vui vầy qua mỗi tuổi xuân.

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Thả hoa đăng mừng lễ Vu Lan. @damha.us

Lễ Vu Lan được tổ chức tùy vào từng địa phương, thường diễn ra ở các chùa lớn nhỏ, với nghi thức cúng dường, cầu an cho cha mẹ, và cài hoa hồng lên áo – như một lời tri ân và tưởng nhớ đến đấng sinh thành.

Các lễ hội truyền thống Việt Nam sau đây, tuy quy mô không lớn trên cả nước, nhưng cũng là những điểm nhấn văn hóa trong đời sống tâm linh của người Việt ta.

Ở phía Bắc có thể kể đến: lễ rửa lá lúa (tỉnh Hòa Bình) – để tưởng nhớ những người mở đất của bản Mường, với nghi thức cúng cơm ngoài ruộng, mời thầy cúng đọc lời cầu khấn cho một vụ lúa mới khỏe mạnh; hội Đào Xá (tỉnh Phú Thọ) – với lễ cầu nước, đua thuyền đêm…; hội bơi chải trên sông Cánh (tỉnh Vĩnh Phúc), hội làng Cao Đài (tỉnh Nam Định) – được tổ chức linh đình, trang nghiêm với rất nhiều hoạt động; lễ hội đền Bà Chúa (Hà Nội) – với nhiều lễ rước, dâng hương, biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian.

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Lễ hội đình Đào Xá – Phú Thọ. @Internet

Ở Lào Cai có hội đền Bắc Hà (thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), diễn ra vào ngày 7/7 âm lịch. Đây là hội đền nhằm tưởng nhớ ngày mất của Gia quốc công Vũ Văn Mật, người đã có công dẹp loạn, an dân cho vùng Tây Bắc vào thế kỷ 16 – 17.

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Toàn cảnh hội đền Bắc Hà. @internet

Hội đền có nhiều hoạt động thờ cúng: dâng hương, rước kiệu, khóa tế nam, khóa kế nữ… cùng với các trò chơi dân gian rất phổ biến như: kéo co, chọi gà, đẩy gậy… Nếu lựa chọn làm một chuyến du lịch tâm linh nơi đây vào tháng 7 âm lịch, bạn sẽ có thể hòa mình vào không khí lễ hội đầy chất Tây Bắc này.

Ở các tỉnh khu vực miền Trung thì có các lễ hội truyền thống như: hội Minh Hương (tỉnh Thừa Thiên – Huế) – với lễ đua thuyền, và cứ ba năm thì sẽ có tế lớn; lễ hội Đổ Giàn (tỉnh Bình Định) – với nghi thức tung heo quay từ giàn cao xuống rất độc đáo.

Vào thời điểm này, nếu bạn chọn tỉnh Thừa Thiên – Huế là điểm đến thì ngoài hội Minh Hương, bạn còn có thể tham gia lễ hội làng Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang) với nhiều nghi thức rước lễ.

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Tháng 7 ở Huế có nhiều lễ hội đặc sắc. @Internet

Ở miền Nam, di chuyển về phía miền Tây nam bộ nơi sinh sống của đồng bào Khmer, các bạn có thể đắm chìm vào không khí của lễ nhập Hạ – người dân mang lễ vật đến chùa để cầu bình an, hạnh phúc. Lễ nhập Hạ được xem là một sự kiện trong nếp sống của đồng bào Khmer, kéo dài suốt từ 15/6 đến 15/9 âm lịch.

2. Tháng 8 âm lịch

Nhắc đến tháng 8 âm lịch chúng ta sẽ nhớ ngay đến Trung Thu – với các loại bánh, đèn lồng và ánh trăng tròn vành vạnh đêm rằm. Tuy nhiên, tạm gác ngày tết thiếu nhi này sang một bên, tháng 8 âm lịch còn rất nhiều ngày hội/ lễ các bạn cần ghi chú lại vào sổ tay để lựa chọn các địa điểm đến cho bản thân nhé!

Về phía Bắc có thể kể ngay đến lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, thường diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm. Đây là một lễ hội lớn ở vùng biển Đồ Sơn (Hải Phòng).

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Nghi thức múa dàn cờ truyền thống tại hội chọi trâu Đồ Sơn. @internet

Ở tỉnh Hải Dương có hội Côn Sơn – Kiếp Bạc (ngày 15 – 20/8 âm lịch hàng năm). Đây là lễ hội có quy mô cấp quốc gia, thu hút rất nhiều người đến tham dự – nhằm tưởng nhớ đến đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, và danh nhân văn hóa, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.

Ở Thanh Hóa, thời điểm này người dân cũng tổ chức hội lễ để tưởng nhớ công ơn vua Lê Thái Tổ – gọi là lễ hội Lam Kinh (tổ chức ở huyện Thanh Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Không chỉ có lễ tế, văn nghệ… mà lễ hội Lam Kinh còn tái hiện các sự kiện lớn như Hội thề Lũng Nhai, Lê Lai cứu chúa.

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Nghi thức rước kiệu về trước điện, tổ chức dâng hương, đọc chúc văn, bái tế trong hội Lam Kinh @ditichlamkinh

Ngoài ra, ở phía Bắc Bộ còn có các ngày lễ lớn như: hội đền Đồng Bằng (tỉnh Thái Bình) – khai hội vào ngày 20/8 âm lịch để tưởng nhớ Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình; Lễ hội đền Trần (tỉnh Nam Định), – diễn ra từ ngày 15 đến 20/8 âm lịch để tưởng nhớ 14 vị vua Trần với nhiều lễ rước, tế cáo, hát chèo, múa kiếm, đấu vật…

Ở miền Nam, vào thời gian này ở tỉnh An Giang có lễ Đôn-ta và hội đua bò, kéo dài từ ngày 29/8 đến ngày 1/9 âm lịch (có khi sẽ kéo sang ngày 2/9 Âm lịch). Đây được xem là một ngày lễ lớn của cộng đồng người Khmer, với nhiều nghi lễ trang trọng và linh đình; đồng thời cũng là một điểm nhấn du lịch tâm linh trong năm.

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Hội đua bò của đồng bào Khmer. @baoangiang
Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Những cuộc đua bò trong lễ hội luôn diễn ra hấp dẫn và quyết liệt. @Võ Văn Bông

Ngoài ra còn các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Nghinh Ông tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (kéo dài từ ngày 14/8 đến 17/8 âm lịch) – một trong những lễ hội thờ cúng cá Ông (cá voi) lớn nhất Nam bộ, Hội đền Cổ Trạch, Hội Tát Giang (Hội hát đúm đêm trên sông), Hội đình Hạ, Hội đền Tép, Hội đền Gạo.

Riêng ở Sài Gòn, vào ngày 30/7 – 1/8 âm lịch hàng năm sẽ diễn ra lễ hội lăng Cá Ông – Bà Chiểu ở quận Bình Thạnh. Đây là một sự kiện về văn hóa tâm linh khá lớn ở Tp.HCM nhằm tưởng nhớ Tả Quân Lê Văn Duyệt, thường thu hút rất nhiều người, kể cả các bạn trẻ về đây xem lễ cầu yên và diễn xướng.

3. Tháng 9 âm lịch

Tháng 9 được xem là tháng “bội thu” lễ hội truyền thống Việt Nam, với một danh sách dài các ngày lễ lớn kéo dài xuyên suốt ba miền của nước ta.

Trong Phật Lịch, ngày 19/9 âm lịch là ngày vía Quán Thế Âm xuất gia. Ngày lễ này tuy không phải một lễ hội có địa điểm tổ chức cụ thể, nhưng là một ngày lễ lớn trong quan niệm tín ngưỡng của người Việt, đặc biệt là những Phật tử. Ngày này, các Phật tử sẽ tề tựu về các chùa để dâng hương, cúng dường, và tùy vào từng địa phương khác nhau sẽ có các nghi thức cúng bái và lễ tạ khác nhau.

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Lễ hội chùa Keo. @internet

Ở phía Bắc, tháng 9 âm lịch gắn liền với một địa danh vô cùng nổi tiếng: chùa Keo (làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Lễ hội chùa Keo hàng năm được diễn ra từ ngày 8 đến 16/9 âm lịch để tưởng nhớ thiền sư Không Lộ – một người có công lớn với đất nước.

Lễ hội chùa Keo là một hoạt động văn hóa truyền thống vừa mang những nét sinh hoạt đậm chất dân tộc, vừa mang tính chất vui tươi, hân hoan thường thấy của các dịp lễ hội truyền thống với các hoạt động tâm linh, nghi thức tôn giáo bên cạnh các trò chơi dân gian như đua chải, cuộc thi kèn trống, và trình bày các điệu múa cổ… vô cùng đặc sắc.

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Chùa Keo Nam Định. @Internet

Ngoài ra, ở các tỉnh phía Bắc còn có những lễ hội truyền thống lớn khác như: lễ Kin Lẩu Khẩu Mẩu (hay còn gọi là lễ tạ ơn, lễ cốm mới), diễn ra ở tỉnh Lai Châu vào ngày rằm tháng 9 âm lịch – là một lễ tạ, đồng thời là nơi cho các bạn trẻ đua tài, giao lưu tìm hiểu lẫn nhau với đậm phong cách và nếp sống của con người dân tộc Thái; lễ hội chùa Cổ Lễ (tỉnh Nam Định) –  diễn ra từ ngày 13 – 16/9 âm lịch nhằm tưởng niệm Đức Thánh tổ hóa thân; lễ hội đền Hát Môn (Hà Nội); lễ chùa Am và đình Lại Trì (tỉnh Thái Bình),…

Nếu tháng 8 âm lịch trôi qua khá “im hơi lặng tiếng” thì đến tháng 9 âm lịch, khu vực miền trung và duyên hải lại “đầy ắp” những ngày hội lớn. Đầu tiên phải kể đến lễ hội Katé của đồng bào Chăm, diễn ra vào tháng 7 lịch Chăm (thường nhằm vào tháng 9 âm lịch) ở các đền thuộc Ninh Thuận, Bình Thuận.

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Quang cảnh đông đúc vào ngày lễ Katé. @laodong.com

Riêng ở Bình Thuận, thời gian này còn có lễ hội Dinh Thầy – Thím, diễn ra tại khu di tích lịch sử – văn hóa Dinh Thầy – Thím ở xã tân Tiến, thị xã Lagi vào các ngày 14 – 16/9 âm lịch. Lễ hội Dinh Thầy Thím là một nét văn hóa trong đời sống của người dân nơi đây, và hàng năm thu hút rất nhiều người về đây, xin lộc phước, cầu bình an, sức khỏe và an nhiên cho gia đạo, thân nhân, công việc, nhà cửa… Bên cạnh đi lễ và cầu khấn, các bạn còn có thể tham gia vào cac trò chơi dân gian và các hình thức diễn xướng dân gian nơi đây: diễn xướng tích thầy, thi lắc thúng, đan lưới, biểu diễn võ thuật…

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Ở miền Nam, bạn có thể tham dự các lễ hội thú vị ở Vũng Tàu. @Internet

Ở miền Nam, các bạn có thể lựa chọn về tham dự lễ hội Trùng Cửu ở tại Nhà Lớn (xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu) – nơi nổi tiếng với Đạo ông Trần. Lễ hội Trùng Cửu thường diễn ra vào ngày 8 – 9/9 âm lịch, với không khí trang nghiêm, không ồn ào, linh đình như một ngày hội, mà chỉ là một dịp lễ để mọi người về đây dâng hương, cầu nguyện…

4. Tháng 10 âm lịch

Tháng 10 âm lịch lại là “tháng lễ hội” ở miền Nam, với rất nhiều những ngày lễ lớn kéo dài đến cuối tháng.

Lễ hội lớn nhất tháng ở miền Nam, có lẽ phải kể đến Ook Om Bok, hay còn gọi là lễ cúng trăng của đồng bào Khmer, thường diễn ra vào ngày 14 và 15 tháng 10 âm lịch. Ở đâu có người Khmer thì ở đó chắc chắn sẽ có lễ cúng trăng, tuy nhiên, nếu về quy mô và độ náo nhiệt, hoành tráng thì nhộn nhịp nhất có lẽ là ở Sóc Trăng và Trà Vinh – hai nơi có cộng đồng người Khmer đông đúc nhất.

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Hội đua ghe ngo hàng năm trong khuôn khổ lễ Ook Om Bok ở Sóc Trăng. @khamphadisan

Dường như đã thành thông lệ, khi cứ đến thời điểm này, rất nhiều du khách lựa chọn đến đây để hòa mình vào với không khí lễ hội, đồng thời cầu nguyện sự sung túc, hạnh phúc.

Lễ hội Ok Om Bok, còn gọi là lễ Cúng Trăng, một lễ hội truyền thống lâu đời, có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer, được diễn ra vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hàng năm (nhằm vào tháng 11 dương lịch năm nay). Lễ hội được tổ chức rộng rãi trên toàn khu vực Nam bộ, nhưng đặc sắc và nhộn nhịp nhất là Sóc Trăng và Trà Vinh– nơi có cộng đồng người Khmer tập trung sinh sống nhiều nhất. Lễ hội Ook Om Bok nổi tiếng với cuộc đua ghe Ngọ và thả đèn gió cầu nguyện với Thần Mặt Trăng – tạo nên một không gian sinh hoạt văn hóa tâm linh đầy màu sắc và nhộn nhịp ở vùng Tây Nam Bộ.

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Hàng năm, hàng trăm nghìn người từ khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lại tụ hội về lễ hội Ok Om Bok. @Đinh Công Tâm

Cũng là một lễ hội của đồng bào Khmer ở Nam Bộ, lễ Kathina được tổ chức để mọi người cầu bình an, hạnh phúc, đồng thời dâng quả cúng dường cho các chư tăng. Lễ Kathina diễn ra xuyên suốt từ rằm tháng 9 đến rằm tháng 10 (15/10) âm lịch, nhưng thường thì lễ Kathina sẽ được diễn ra trước lễ Ook Om Bok, nên nếu các bạn muốn lên kế hoạch trải nghiệm du lịch tâm linh thì hãy cân nhắc để có thể tham gia cả hai nhé.

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Lễ dâng Y Kathina của đồng bào Khmer ở Nam Bộ. @Internet

Ngoài ra, ở phía Nam còn có các lễ hội khác, tiêu biểu là hội đền Nguyễn Trung Trực (tỉnh An Giang) – thường diễn ra vào ngày 18 – 19/10 âm lịch; lễ hội Miếu Bà (thành phố Vũng Tàu), với rất nhiều hoạt động dân gian đặc sắc như cúng tế, múa lân, hát tuồng…

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Lễ mừng lúa mới ở Tây Nguyên. @Internet

Ở khu vực Tây Nguyên, thời điểm này trùng với lúc vừa thu hoạch xong vụ mùa, và họ sẽ tổ chức lễ mừng lúa mới, được tổ chức bởi đồng bào J’rai (Gia Lai). Trong những ngày lễ hội này, cả buôn làng sẽ ngập tràn trong những tiếng cồng chiêng và các điệu nhảy đậm chất núi rừng Tây Nguyên; mọi người cùng nhau nấu nướng, nhảy múa, cùng tụ tập ở nhà rông để thực hiện các nghi lễ cầu khấn và cảm tạ.

Nếu bạn bị thu hút bởi nét văn hóa cồng chiêng thì tháng 11 (thường trùng với tháng 10 âm lịch hàng năm) sẽ là khoảng thời gian bạn nên “rục rịch” vác balo lên để tiến về phía bản làng đó.

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Thẻn. @Internet

Tiến về phía Bắc, thời gian này chắc chắn không thể bỏ qua lễ hội “kéo chày” của dân tộc Pà Thẻn (Hà Giang). Hà Giang lúc này sẽ ngập trong những sắc màu rực rỡ từ các bộ cánh của những thanh niên Pà Thẻn, được tham dự lễ hội “kéo chày” đầy huyền bí nơi đây.

Đặc biệt, tháng 11 cũng là thời điểm nở rộ của hoa tam giác mạch ở Hà Giang – là một cảnh đẹp tuyệt vời mà nếu bạn là một “phượt thủ” chắc chắn đã nghe qua, và không thể bỏ lỡ rồi.

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Những cánh đồng tam giác mạch trên Hà Giang. @nhaquegoc

Ngoài ra, tháng 10 âm lịch còn một vài lễ hội, lễ vía lớn có thể kể đến như: hội làng Nhị Khê (Hà Nội) để tưởng nhớ ông tổ nghề tiện, lễ vía bà Phi Yến (vợ thứ vua Nguyễn Ánh) ở Vũng Tàu, lễ hội Đền Bà Đen (Tây Ninh)…

5. Tháng 11 âm lịch

Nếu so về mặt bằng chung thì tháng 11 âm lịch không có nhiều lễ hội truyền thống Việt Nam, mà nguyên do có thể lý giải vì đây là tháng “cận cuối năm”, khi sang tháng 12 âm lịch người người nhà nhà sẽ tất bật chuẩn bị cho tết ta.

Đầu tiên có thể kể đến lễ hội Gò Tháp – lễ hội truyền thống lớn và có quy mô ở Đồng Tháp. Thường thì lễ hội Gò Tháp được tổ chức hai lần / năm, vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch. Hàng năm, vào mùa lễ hội này thì Đồng Tháp luôn đông đúc, tấp nập với khách thập phương đổ về, chủ yếu để cầu tài lộc, và đi hành hương.

Về nội dung, lễ hội Gò Tháp có các hoạt động cúng lễ (lễ Bà chúa xứ, Đốc binh Kiều, cúng Thần Nông, cầu an…), và các hoạt động vui chơi dân gian (múa hát, hát bội, biểu diễn võ thuật…)

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Khách thập phương đổ về miếu Bà Chúa Xứ Gò Tháp ngày vào hội. @bqlkdtgt

Ở khu vực Tây Nguyên, tiếp tục chúng ta có các lễ hội mừng lúa mới, nhưng lần này là của đồng bào dân tộc Êđê. Lễ hội Mừng lúa mới của người Êđê. Lễ hội sẽ kéo dài trong suốt 7 ngày đêm, khắp buôn làng đầy tiếng cười vui, chiêng trống rộn vang cùng một không gian tươi trẻ, mừng một vụ mùa đầy hứa hẹn sắp đến.

Một số lễ hội khác diễn ra vào tháng 11 âm lịch: lễ hội đền Nguyễn Công Trứ (Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) kéo dài trong khoảng từ 13 – 15/11 âm lịch để tưởng nhớ công lao người khai sinh ra huyện Kim Sơn – Doanh điền Nguyễn Công Trứ, lễ hội làng Ngũ Xá (Hà Nội)…

6. Tháng 12 âm lịch

Tháng 12 âm lịch, hay còn gọi là tháng Chạp, các lễ hội truyền thống Việt Nam thường được tổ chức trên quy mô địa phương và khu vực sống. Ở các tỉnh phía Bắc, vào thời điểm này có thể kể đến hội làng Cốc (đình Phong Cốc, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh). Hội thường được tổ chức vào ngày 4 và 5/12 âm lịch với nhiều nghi thức lễ tế và hoạt động vui chơi, mang đậm chất dân gian Bắc Bộ và vùng miền, đồng thời cũng là một sự kiện đáng đến nếu bạn có dịp đi Quảng Ninh vào thời gian này.

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Không khí các lễ hội cuối năm ở Quảng Ninh luôn náo nhiệt. @Internet

Tiến về eo biển miền Trung, một trong những lễ hội truyền thống Việt Nam diễn ra hàng năm nơi đây chính là hội Nghinh Cá Ông (thuộc tỉnh Khánh Hòa). Lễ thường có hai phần, là lễ rước và lễ tế truyền thống với sự tham gia của hàng trăm ghe thuyền được trang trí rực rỡ để nghênh ông. Đối với ngư dân thì cá ông chính là một loài vật linh thiêng, thường được thờ cúng và cầu xin mang lại phước lành và sự bình yên trên biển cho họ.

Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch (Phần 2)
Tục đón cá ông ở Khánh Hòa. @kiemkedisan

Ở thị trấn Cai Lậy, Tiền Giang, vào ngày 25 tháng Chạp hàng năm đều diễn ra lễ giỗ Tứ Kiệt nhằm tưởng nhớ 4 vị anh hùng đã có công với đất nước. Lễ giỗ thường được tổ chức rất quy mô, có cả các sở ban ngành đến tham dự, với đầy đủ các nghi thức cúng lễ long trọng và trang nghiêm.

Một số lễ hội truyền thống địa phương khác có thể kể đến: hội làng An Xá (tỉnh Hưng Yên) với lễ cúng và diễu hành, hội Đình Mai (Hà Nội), hội Mỹ Dương (tỉnh Hà Tĩnh)…

Mỗi lễ hội mang một ý nghĩa, một dấu ấn riêng, góp phần làm giàu đẹp thêm nền văn hóa chung của dân tộc. Đây cũng là dịp để mọi người cùng giao lưu, gắn kết, cùng tôn vinh những giá trị bản sắc của vùng miền. Sao không xách balo lên và tự mình cảm nhận hết ý nghĩa của những lễ hội truyền thống Việt Nam đặc sắc này?

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *